Tổng quan

Âm nhạc đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần và tâm linh của người Chăm. Nền âm nhạc truyền thống xưa chỉ dành phục vụ riêng cho các lễ tục bởi người Chăm quan niệm rằng, âm nhạc là một phương tiện để giao thức với giới linh thiêng, kết nối cõi tục và thượng giới, gắn liền với những câu chuyện truyền thuyết về các vị thần, hay những vị thánh nhân được thần hóa.

Vì lẽ đó, việc truyền dạy nhạc cụ truyền thống trước đây theo phương thức một thầy một trò đến khi thuần thục vì kiêng kị tiếng nhạc cụ có thể đánh thức thần Yang hay ông bà tổ tiên trong làng. Ngay cả khi trong thời hiện đại khi sân khấu hóa âm nhạc truyền thống trở nên phổ biến hơn, trước khi trình diễn trên sân khấu hay phục vụ cho khách du lịch, người nghệ nhân trống vẫn phải rót rượu/trà xuống đất để khấn xin tổ nghề và ông bà tổ tiên được phép sử dụng những âm điệu và nhạc cụ tổ tiên truyền lại như một sự tri ân. Trong lễ tục, lời khấn mời còn mang nghĩa các vị thầy và tổ tiên có thể truyền cho người nghệ nhân trống năng lượng tâm linh cho chắc tay vững chân, sáng mắt sáng lòng để việc phục vụ lễ được hoàn thành tốt đẹp.

Một đặc điểm quan trọng trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của người Chăm là tính biểu tượng (padah tok) của mọi sự vật, hoạt động trong sinh hoạt đời thường hay trong nghi lễ tôn giáo. Điều này thể hiện nhân sinh quan, vũ trụ quan của người Chăm là con người, sinh vật, đất trời, vũ trụ đều có quan hệ gắn kết với nhau như một dòng chảy bao la huyền bí. Đây cũng là một phần di sản tri thức bản địa có nguy cơ thất truyền mà chúng tôi tin rằng, việc tìm tòi đào sâu sẽ giúp chúng ta thụ cảm tốt hơn ý nghĩa tầng sâu của các mảng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể còn lại của người Chăm để có thể có lối tư duy, hướng bảo tồn và phát triển phù hợp với tâm thức tộc người hơn.

Trong các nhạc cụ truyền thống, bộ ba nhạc cụ là trống ginang, kèn xaranai và trống baranưng là không thể vắng mặt. Đa dạng nhất về mặt âm điệu và tiết tấu, hùng hồn và đầy sinh lực, mang tính trình diễn cao là cặp trống ginang. Tuy nhiên, trong dòng chảy của thời đại, người trẻ ít quan tâm đến các nhạc cụ truyền thống, những nghệ nhân điêu luyện cũng dần mất đi, mang theo những nét hòa âm tài hoa và linh thánh. Trong nỗ lực học hỏi, tìm kiếm lưu trữ những nét đẹp còn sót lại, chúng tôi may mắn nhận được sự hỗ trợ của Hội đồng Anh trong khuôn khổ dự án Di sản kết nối, bao gồm lưu trữ tư liệu trống, truyền thuyết về các vị thần trong lễ tục và phim tài liệu để giúp cho chúng ta hiểu và yêu hơn một di sản âm nhạc quan trọng của dân tộc Chăm.

Dự án là một bước nền tảng quan trọng để chúng tôi và những cá nhân tâm huyết với âm nhạc Chăm có thể tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu và chia sẻ với cộng đồng gần xa.

Bước đầu, chúng tôi xin giới thiệu cơ bản cơ sở dữ liệu của các điệu trống, bao gồm bản thu âm riêng trống giữ nhịp, trống hòa âm, và bộ đôi trống để người mới tập có thể làm quen (tốc độ, trường độ, cường độ, tên gọi điệu chuẩn), sử dụng như bộ công cụ để tự rèn luyện, hay giới các bạn quan tâm đến âm điệu trống ginang có thể tìm tòi nghiên cứu. Bước tiếp theo, chúng tôi sẽ giới thiệu kết quả sưu tầm các truyền thuyết về các vị thần để chúng ta cảm thụ sâu hơn những âm điệu được diễn xướng.

Trong khả năng kĩ thuật web hạn hẹp, chúng tôi sẽ từng bước cập nhật nội dung của dự án. Để nhận thông tin cập nhật mới nhất, vui lòng đăng kí ở đây.

Trân trọng.